MỤC LỤC
Mọc mụn nhọt là tình trạng khá phổ biến đối với tất cả mọi người, đặc biệt phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Vậy mụn nhọt có có ảnh hưởng gì đến sức khỏe thai kỳ không? Cách trị mụn nhọt cho bà bầu như thế nào để an toàn và hiệu quả? Mẹ bầu cùng xem hết bài viết này để tham khảo những thông tin chính xác nhất nhé.
Mang thai bị mụn nhọt nguyên nhân do đâu
Mụn nhọt là tình trạng viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và tổ chức xung quanh, được tạo thành từ 1 loại vi khuẩn tên Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) ký sinh trên da gây ra, nhất là ở các vùng da có nếp gấp trên mặt, cổ, nách, vai, mông,… cũng có một số trường hợp mọc trên mí mắt (mụt lẹo).
Có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị mọc mụn nhọt trong thai kỳ. Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân được cho là đến từ việc nội tiết thay đổi, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Nồng độ nội tiết estrogen và progesterone gia tăng đột biến khiến da thay đổi chu trình hoạt động, đồng thời kích thích làm tăng cao lưu lượng máu. Bên cạnh đó, nồng độ androgen tăng cao cũng kích thích da sản xuất nhiều dầu hơn, tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông. Từ đó tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn Staphylococcus aureus sinh sôi và phát triển, gây ra mụn nhọt.
Ngoài nguyên nhân này, phụ nữ mang thai có thể bị mọc mụn nhọt vì những lý do như:
– Ăn quá nhiều thức ăn cay nóng: Các thực phẩm như đồ chiên, rán, nhiều dầu mỡ, hoa quả có tính nóng,… cũng khiến da bị kích thích tuyến bã nhờn, tăng nguy cơ gây ra mụn nhọt.
– Thường xuyên bị căng thẳng: Tâm lý căng thẳng, thường xuyên lo âu không chỉ khiến sức khỏe của mẹ tệ đi, mà làn da cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
– Viêm nang lông: Viêm nang lông là nguyên nhân thường gặp khi gây ra mụn nhọt. Da của mẹ bầu khi mang thai rất nhạy cảm, nếu thường xuyên bị cọ xát có thể gây ra những tổn thương trên lỗ chân lông. Nếu không biết cách vệ sinh và chăm sóc, làn da sẽ dễ dàng bị vi khuẩn tấn công và gây bệnh.
– Suy giảm miễn dịch: Cơ thể người mẹ khi mang thai thường rất yếu, đây chính là thời điểm vàng để các vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và tấn công. Mọc mụn nhọt chỉ là một trong những tình trạng mà mẹ có thể gặp phải.
– Bị bệnh về da liễu: Mẹ bầu đang bị các vấn đề như mụn trứng cá, chàm,… cũng có thể xuất hiện mụn nhọt.
– Trên da có vết thương hở: Da mẹ bầu xuất hiện các vết thương hở cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tụ cầu vàng tấn công và phát triển.
– Những lý do khác: Tiếp xúc/ dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị mụn nhọt, mặc quần áo ướt, mặc đồ chật,…
Bà bầu bị mụn nhọt có nguy hiểm hay không?
Nhiều người cho rằng mọc mụn nhọt là điều bình thường, không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, mụn nhọt có thể gây đau nhức, thậm chí gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Một số loại mụn nhọt mọc trên mặt còn có thể để lại sẹo thâm khó trị mụn, gây ảnh hưởng tới tâm lý bà bầu.
Mụn nhọt ban đầu có dấu hiệu sẩn nhỏ, màu đỏ, sưng nề, chắc, tấy đỏ ở nang lông. Sau 2 – 3 ngày, tổn thương lan rộng hóa mủ tạo thành ổ áp xe, ở giữa hình thành ngòi mủ. Đau nhức là triệu chứng cơ năng thường gặp, nhất là khi nhọt khu trú ở mũi, vành tai và các vùng da có rãnh. Vị trí thường gặp là ở đầu, mặt, cổ, lưng, mông và chân, tay. Số lượng tổn thương do vi khuẩn tụ cầu vàng có thể ít hoặc nhiều, đôi khi có thể kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, hội chứng nhiễm trùng.
Ngoài ra, nếu mẹ bầu chủ quan, không trị mụn đúng cách cũng có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi. Khi để mụn nhọt tiến triển quá nặng, một số trường hợp mụn nhọt có thể tụ lại thành nhóm. Dạng nhiễm trùng da này cực kỳ nguy hiểm, vì khi vi khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập vào trong máu có thể gây nhiễm trùng máu, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Hiện nay, có rất nhiều cách trị mụn nhọt cho bà bầu, mẹ bầu có thể chọn lọc các phương pháp an toàn và hiệu quả để trị mụn nhọt trong thai kỳ.
Mụn nhọt ở bà bầu có tự hết được hay không?
Mụn nhọt được phân vào nhóm bệnh lý lành tính và một số trường hợp có thể tự khỏi mà không cần can thiệp, nhưng đôi khi cũng có thể diễn tiến nặng và gây ra biến chứng. Đặc biệt, làn da và thể trạng của các mẹ khi mang thai đều rất yếu ớt dễ gây biến chứng nặng. Vì thế khi phát hiện mụn nhọt các mẹ nên đến gặp ngay bác sĩ da liễu để được trị mụn kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn.
Cách trị mụn nhọt cho bà bầu hiệu quả nhất
Khi bị mọc mụn nhọt khi mang thai, mẹ bầu cần tuân thủ đúng nguyên tắc sát khuẩn và chống nhiễm trùng. Nếu mụn nhọt đang ở giai đoạn sớm và chưa có mủ, mẹ bầu không nặn hoặc kích thích vào vùng da bị thương tổn; duy trì bôi dung dịch sát khuẩn ngày 2-4 lần. Đối với các trường hợp mụn nhọt đã có mủ thì cần phẫu thuật rạch rộng để làm sạch thương tổn. Nhìn chung, hiện việc trị mụn nhọt cho phụ nữ mang thai đang được nhiều mẹ bầu áp dụng theo các cách như:
Tự trị mụn tại nhà
Đối với các mụn nhọt nhỏ, không gây nguy hiểm, các mẹ có thể tự theo dõi tại nhà. Để giảm đau, mẹ bầu nên chườm ấm nhiều lần trong ngày lên vùng da bị ảnh hưởng. Điều này giúp kích thích dịch mủ được đẩy ra ngoài một cách tự nhiên. Không sờ, nắn, bóp mụn nhọt khi mụn còn non. Ngoài ra, cần giữ gìn vệ sinh vùng da bị ảnh hưởng, rửa tay sạch trước khi chạm vào nhọt và các vùng da xung quanh.
Trong trường hợp bắt buộc phải nặn mụn nhọt, mẹ bầu lưu ý không nên tự ý nặn mụn tại nhà. Để an toàn, nên đến gặp bác sĩ để được thực hiện các thao tác nặn mụn nhọt đúng cách.
Gặp bác sĩ chuyên khoa
Phần lớn mụn nhọt sẽ mềm đi sau đó tự lành. Tuy nhiên đối với cơ địa của mẹ bầu, trị mụn nhọt tại nhà không phải là phương pháp trị mụn tốt nhất. Bởi cũng có nhiều trường hợp mụn nhọt trở nặng gây biến chứng. Khi bị mụn nhọt, tốt nhất mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để trị mụn. Gặp bác sĩ chuyên khoa là cách trị mụn nhọt cho bà bầu được đánh giá có tính an toàn cao. Đặc biệt đối với các mẹ bầu xuất hiện những dấu hiệu như:
– Mụn nhọt không khỏi sau 1 tuần trị mụn
– Xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn như: Kích thước mụn lớn nhanh, vùng da xung quanh mụn chuyển sang màu đỏ, sưng, đau nhức dữ dội
– Xuất hiện nhiều mụn nhọt mọc lên gần mụn nhọt đầu tiên
– Bị sốt hoặc nổi hạch
Tốt nhất, các mẹ bầu nên đến ngay để bác sĩ kiểm tra, tuyệt đối không chủ quan làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Để trị mụn, bác sĩ sẽ thăm khám và có thể sẽ cho mẹ bầu dùng một số loại thuốc bôi ngoài da phù hợp với phụ nữ mang thai để xử lý ổ nhiễm trùng. Ngoài ra, với một số trường hợp mụn nhọt cần được nặn ra, bác sĩ sẽ rạch và dẫn lưu dịch mủ. Thao tác này giúp mụn nhọt được lấy hết dịch mủ ra ngoài. Sau đó, dùng băng gạc vô trùng thấm hết dịch mủ còn sót lại ở môi trường bên trong, đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng từ bên ngoài.
Dù nhọt được chích rạch hay tự vỡ, mẹ bầu đều cần theo dõi, thay băng, vệ sinh và chăm sóc vết thương mỗi ngày cho đến khi lành. Đặc biệt là các mụn nhọt mọc xuất hiện trên da mặt, do có nguy cơ cao nhiễm trùng thứ phát và để lại sẹo rất cao. Song song đó, mẹ bầu cũng cần tuân thủ liệu pháp trị mụn và dùng thuốc (nếu có) theo đơn của bác sĩ, trong trường hợp vết thương bị đỏ hoặc có dấu hiệu nặng hơn, mẹ bầu cần đến tái khám sớm nhất có thể.
Sử dụng sản phẩm trị mụn
Sản phẩm trị mụn có kê đơn
– Cơ thể của mẹ bầu khá đặc thù, không thể tùy tiện dùng thuốc. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ bầu bị mụn nhọt nặng, bắt buộc sử dụng thuốc thì nên sử dụng các nhóm thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Một số nhóm thuốc trong chỉ định của bác sĩ thường gặp như:
– Nhóm dung dịch sát khuẩn: Mẹ bầu có thể sử dụng một số nhóm dung dịch sát khuẩn như: Povidon-iodin 10%, Hexamidin 0,1%, Chlorhexidin 4%.
– Nhóm thuốc kháng sinh tại chỗ: Kem hoặc mỡ axít fucidic 2%; Mỡ mupirocin 2%; Mỡ neomycin; Kem silver sulfadiazin 1%.
– Nhóm kháng sinh toàn thân: Nhóm betalactam (Cloxacilin: viên nang 250mg và 500mg; lọ thuốc bột tiêm 250mg và 500mg; Augmentin (amoxillin phối hợp với axít clavulanic)), nhóm macrolid (Roxithromycin viên 50mg và 150mg; Azithromycin: viên 250mg và 500mg; dung dịch treo 50mg/ml,. Axít fusidic viên 250mg).
Thời gian điều trị mụn nhọt bằng kháng sinh là từ 7 – 10 ngày. Tuy nhiên để phục hồi hoàn toàn còn phải tùy thuộc theo tình hình sức khỏe của mẹ bầu. Trong thời gian trị mụn, tốt nhất nên tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ, không tùy ý thay đổi liều lượng hoặc sử dụng các sản phẩm bên ngoài để tránh tổn thương ngày càng lan rộng hơn.
Một số sản phẩm hỗ trợ trị mụn khác
Ngoài những sản phẩm trị mụn do bác sĩ kê đơn, mẹ bầu có thể sử dụng thêm một số sản phẩm có tác dụng thông thoáng lỗ chân lông, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi như:
Sản phẩm bôi có chứa thành phần Benzoyl peroxide
Benzoyl peroxide là thành phần nổi tiếng được sử dụng nhiều trong các loại mỹ phẩm trị mụn. Bởi tác dụng giảm viêm, kháng khuẩn tốt, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trong lỗ chân lông khá hiệu quả. Ngoài tác dụng làm đẹp, Benzoyl peroxide cũng được sử dụng để hỗ trợ trị mụn nhọt, với chức năng làm khô mụn nhọt, bong lớp sừng bị tổn thương bên ngoài, giúp da nhanh chóng tái tạo. Từ đó giúp lỗ chân lông được thông thoáng, “chặn đứt” môi trường phát triển của vi khuẩn, giúp mụn nhọt nhanh lành hơn.
Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai, Benzoyl peroxide được đánh giá là thành phần khá… “2 mặt”, vì thế mẹ bầu không nên quá lạm dụng Benzoyl peroxide ở nồng độ cao. Theo FDA, nồng độ Benzoyl peroxide mà mẹ bầu có thể sử dụng là 5%.
Sản phẩm bôi có chứa Salicylic acid
Salicylic acid là một trong những loại BHA, được FDA đánh giá ở nhóm C, khá an toàn với phụ nữ mang thai. Salicylic acid có trong nhiều loại thuốc trị mụn nhọt, có chức năng chính giúp thanh lọc lỗ chân lông, loại bỏ nguyên nhân khiến vi khuẩn sinh sôi. Đồng thời, thành phần Salicylic acid cũng có chức năng tẩy đi lớp da chết cứng đầu, làm sạch lỗ chân lông và làm mềm da. Điều này rất tốt cho làn da bị tổn thương do vi khuẩn tụ cầu vàng. Nồng độ phù hợp với mẹ bầu là BHA dưới 2%.
Miếng dán mụn
Thành phần chính của miếng dán mụn là hydrocolloid, đây là thành phần mà mẹ bầu có thể sử dụng. Miếng dán mụn có chức năng tương đương như miếng dán thuốc thu nhỏ giúp “gom” nhân mụn và đẩy nhanh quá trình phát triển của mụn khá hiệu quả.
Để sử dụng, mẹ bầu cần làm sạch vùng bị mụn và để da khô, sau đó mới dán chúng lên nốt mụn. Nếu có kết hợp với các sản phẩm bôi ngoài da, mẹ bầu nên dùng kem bôi có salicylic acid hoặc benzoyl peroxide trước rồi mới dán miếng dán mụn lên sau.
Tinh dầu tràm trà
Điều trị mụn nhọt bằng tinh dầu tràm trà là phương pháp thiên nhiên được nhiều mẹ bầu lựa chọn. Dầu tràm trà khá hữu hiệu trong giúp sát khuẩn, kháng nấm, chống viêm và ngăn ngừa sẹo mụn.
Để sử dụng, mẹ bầu có thể thoa 2 – 3 giọt tinh dầu tràm trà lên nốt mụn. Thực hiện nhiều lần trong ngày, nốt mụn sẽ mau lên cồi mụn, giảm đau và sưng đỏ. Lưu ý, nếu da mẹ quá nhạy cảm, nên test thử trên da trước khi sử dụng. Ngoài ra, mẹ bầu chỉ nên bôi 1-2 lần/ ngày và giãn cách đều đặn thời gian bôi dầu tràm trà.
Nha đam
Sau khi làm sạch vùng da bị mụn nhọt, mẹ bầu có thể thoa trực tiếp gel nha đam tươi lên nốt mụn, để trong 15 – 30 phút, sau đó rửa lại với nước sạch. Trong gel nha đam tươi có nhiều thành phần vitamin C, A, B1, B2… và các vi khoáng khác, có tác dụng kháng viêm, giảm đau khá hiệu quả.
Các mẹ có thể xay nhuyễn thịt nha đam, lọc lấy gel và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng dần, nhưng chỉ nên dùng nha đam tối đa trong 3-4 ngày bảo quản thôi nhé.
Mẹ bầu cần lưu ý, cơ địa của phụ nữ mang thai trong thời gian mang thai rất nhạy cảm, cần kĩ lưỡng khi sử dụng bất cứ sản phẩm nào để trị mụn. Ngoài ra, mẹ bầu không nên tự ý sử dụng các sản phẩm bôi ngoài da khi mụn nhọt có dấu hiệu vỡ ra, chảy máu hoặc nhiễm trùng. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào lên vết thương.
Trị mụn nhọt ở mẹ bầu cần lưu ý những gì?
Mụn nhọt trong thai kỳ không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu chủ quan không trị mụn nhọt có thể tiến triển nặng hơn gây ra các biến chứng nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, các mẹ nên làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ trị mụn. Ngoài cách trị mụn nhọt cho bà bầu, trong thời gian trị mụn nhọt, mẹ bầu cần lưu ý thêm:
– Tuyệt đối không cạy, nặn, gãi khi mụn còn non.
– Hạn chế chạm vào mụn nhọt, vệ sinh tay trước và sau khi chạm vào mụn nhọt.
– Không tự ý sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da, kem trị mụn nhọt, kem tự chế hoặc kem trộn,… Các loại thuốc uống như thuốc viên nội tiết, thuốc có chất isotretinoin, thuốc kháng sinh thuộc nhóm cyclin mẹ bầu cũng không nên sử dụng.
– Không dùng các loại sản phẩm bôi trị mụn, thuốc gây lột sừng hoặc sản phẩm có dẫn xuất từ vitamin A, Isotretinoin, Tetracycline,…
– Bổ sung các thực phẩm, đặc biệt là các loại rau củ, trái cây giúp hạ nhiệt cơ thể từ bên trong như: đậu đen, các loại rau xanh, các ngũ cốc thô như đậu xanh, trái cây tươi, thanh long, bưởi, dứa, cam quýt, dưa…
– Bổ sung đủ nước cho cơ thể. Nước không chỉ giúp cơ thể thanh lọc tốt, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đồng thời cũng giúp các mẹ hạn chế chứng táo bón khi mang thai.
Tóm lại, nếu mẹ bầu xuất hiện mụn nhọt, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào. Bên cạnh đó, nếu mụn nhọt xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: nổi mụn nhọt theo từng nhóm, sưng to, sốt,.. nên đến gặp ngay bác sĩ để được trị mụn, không chủ quan gây ảnh hưởng cho cả mẹ và con.
Ngoài ra, đối với các mẹ bầu chưa bị nổi mụn nhọt, nên có những phương pháp phòng ngừa từ sớm. Mẹ bầu thường có hệ miễn dịch rất yếu, vì vậy không có cách nào có thể đảm bảo phòng ngừa được 100% khả năng mẹ bầu không bị mọc mụn nhọt. Tuy nhiên, thực hiện tốt những biện pháp sau cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm tụ cầu khuẩn:
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, có lẽ mỗi mẹ bầu đều đã có những kiến thức chung về việc vệ sinh tay. Việc rửa tay thường xuyên không chỉ giúp mẹ giảm được nguy cơ bị mọc mụn nhọt, mà còn giúp loại bỏ được nhiều nguy cơ của các loại dịch bệnh. Trong trường hợp không thể rửa tay thường xuyên, mẹ bầu cũng có thể dùng những loại nước rửa tay khô để sử dụng. Lưu ý không chọn các loại nước rửa tay chứa quá nhiều cồn nhé.
– Giữ cho vết thương luôn sạch sẽ và khô thoáng. Vi khuẩn tụ cầu vàng sẽ dựa vào các vết thương hở để xâm nhập, tấn công và gây bệnh. Vì vậy việc để các vết thương luôn khô thoáng và sạch sẽ cũng giúp giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh.
– Không chia sẻ hoặc dùng chung dụng cụ cá nhân với người bệnh. Nếu trong nhà có người bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, mẹ bầu không nên sử dụng chung các vật dụng cá nhân như: khăn tắm, khăn mặt, dụng cụ đánh răng hoặc quần áo,… Bởi vi khuẩn tụ cầu vàng có thể xâm nhập vào da qua các đồ vật khi sử dụng chung.
– Duy trì lối sống và chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Lối sống lành mạnh không chỉ nâng cao sức đề kháng, đem lại sức khỏe cho mẹ bầu, đồng thời cũng hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh hơn.
– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: cắt móng tay, rửa tay hàng ngày.
– Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng da.
– Nâng cao thể trạng.
Mụn nhọt ở mẹ bầu có trị hết triệt để được không?
Mụn nhọt thuộc nhóm bệnh khá lành tính, hoàn toàn có thể trị mụn triệt để. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu không biết cách chăm sóc và duy trì lối sống lành mạnh, mụn nhọt vẫn có thể tái đi tái lại nhiều lần.
Qua những thông tin tổng hợp trên đây, mong rằng sẽ giúp các mẹ giải đáp thắc mắc về việc mọc mụn nhọt khi mang thai, và cách trị mụn nhọt cho bà bầu an toàn. Hy vọng các mẹ đã có thêm những kiến thức, là hành trang cần thiết để quá trình mang thai được hiệu quả và dễ dàng hơn. Nếu cần tư vấn thêm về các liệu trình và sản phẩm chăm sóc da trong thai kỳ, đừng quên ghé thăm Dr. Mommy tại địa chỉ 101A Nguyễn Văn Trỗi, P11, Phú Nhuận, TP.HCM hoặc liên hệ hotline 0906.95.26.28 – 0906.943.438 nhé!
Tư vấn chuyên môn bài viết:
BS CKI. HUỲNH NGUYỄN DIỆU HUYỀN